Hậu quả tồi tệ của thảm họa kép động đất và sóng thần dường như vẫn chưa dứt đối với các nạn nhân đang tá túc tạm bợ trong những căn nhà tạm suốt ba tháng qua ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, khi những ngày hè nóng nhất hoành hành ở đây.
Hài hước pha lẫn châm biếm, người dân vùng bị nạn ở hai tỉnh Iwate và Miyagi dùng từ “bồn tắm hơi” để chỉ các nhà tạm sau sóng thần khi nhiệt độ ngoài trời có thời điểm lên tới 36-37 độ C, hiện tượng hiếm thấy ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản trong những năm qua.
Các sạp hàng ở Kamaishi trống trơn quạt điện. Ảnh: Vietnam+. |
Quạt điện – một vật dụng gắn liền với những ngày hè oi ả – bỗng dưng trở thành thứ xa xỉ phẩm đối với người dân vùng nạn. Hầu như tất cả các kệ hàng điện tử trong tỉnh đều vắng bóng quạt điện. Tình trạng thiếu quạt ngày càng trở nên trầm trọng ở đây.
Trong bối cảnh toàn nước Nhật hạn chế sử dụng điều hòa để tiết kiệm điện, rất nhiều người dân ở các khu nhà tạm vùng Đông Bắc muốn mua quạt máy để sống được bên trong các “bồn tắm hơi” này.
Chỉ riêng cửa hàng điện máy Kamaishi Case Denki ở thành phố Kamaishi, tỉnh Iwate vào ngày 26/6 đã có tới hàng trăm khách ghé thăm gian hàng mua quạt.
Chủ cửa hàng, ông Sasaki You, cho biết cả tháng năm vừa qua, cửa hiệu bán được 200 chiếc, trong khi mới đến ngày 25/6 đã bán được tới 280 chiếc, tăng gấp 3-4 lần so với mọi năm. Theo ông, đối tượng khách mua quạt chủ yếu là những chủ hộ bị hỏng điều hòa do sóng thần và các gia đình mất nhà ở phải tá túc trong các căn nhà tạm.
Cửa hiệu Techland của Hãng điện máy Yamada Denki ở thành phố Ishinomaki, Miyagi, cũng trong tình trạng hai tuần liền không có quạt bày trên sạp.
Chính quyền Kamaishi dự kiến dựng 3.114 căn nhà tạm cho các gia đình chạy nạn và hiện đã có khoảng 1.500 căn nhà có người ở.
Bà Kobayashi Chizuko, 40 tuổi, hiện ở cùng chồng và con gái ở thị trấn Sakuragi, Kamaishi, nói: “Trời cứ nắng ráo là nhà lại hầm hập như cái nhà tắm hơi. Nếu không mua quạt điện sớm chắc chúng tôi không chịu nổi”.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ngày 29/5, nước này đã chính thức bước vào “những ngày siêu nóng” khi nhiệt độ ở nhiều nơi vượt quá ngưỡng cao nhất 35 độ C.
Trong đó, tại thành phố Koshu, tỉnh Yamanashi, nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 38,5 độ C, thành phố Kofu là 38,1 độ C, thành phố Kuwana tỉnh Mie nhiệt độ đo được kỷ lục là 37,5 độ C. Tại Tokyo và các quận vùng ven, nhiệt độ đo được lúc 11 giờ 10 phút cũng xấp xỉ ngưỡng 37 độ C.
Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, chính phủ kêu gọi người dân tiết kiệm điện trong mùa hè. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lại khuyến cáo người dân trong thời gian này cần hết sức thận trọng với chứng bí nhiệt có thể xảy ra, đặc biệt là người cao tuổi, không thể vì “băn khoăn với việc dùng hay không dùng điều hòa, mà mắc ‘chứng bí nhiệt do tiết kiệm điện’”.
Cơ quan phòng cháy Nhật Bản cho biết chỉ trong vòng một tuần từ ngày 20 đến 26/6, số lượng người phải nhập viện vì nắng nóng trên toàn quốc đã tăng tới gần 3.000 người, tăng gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, người cao tuổi chiếm non nửa, 94 bệnh nhân nhập viện với biểu hiện sốc nhiệt nặng và 7 người đã tử vong.
(Theo Vietnam+)